Rượu vang tráng miệng, nổi tiếng với hương vị ngọt ngào và đậm đà, là một dòng rượu vang phong phú thường được dùng kèm các món ngọt, pho mát hoặc thậm chí làm điểm nhấn cuối bữa ăn. Định nghĩa về rượu vang tráng miệng có sự khác biệt tùy theo từng quốc gia và vùng lãnh thổ:
- Tại Anh: rượu vang tráng miệng được hiểu là bất kỳ loại rượu vang ngọt, ngoại trừ các loại rượu vang cường hóa như Port và Sherry.
- Tại Hoa Kỳ: theo quy định pháp luật, rượu vang tráng miệng là loại rượu có nồng độ cồn (ABV) trên 14%, thường bao gồm cả rượu vang cường hóa, và những loại này bị đánh thuế ở mức cao hơn so với các loại rượu vang thông thường.
1. Phương pháp sản xuất
Những người làm rượu vang tráng miệng thường hướng tới việc tạo ra sản phẩm có hàm lượng đường và cồn cao. Vì đường là nguyên liệu chính để tạo ra cồn trong quá trình lên men, lượng đường tự nhiên trong nho và phương pháp sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hương vị của rượu vang. Dưới đây là các cách phổ biến để tăng hàm lượng đường trong sản phẩm cuối cùng:
+ Canh tác và chăm sóc nho: trồng và thu hoạch nho khi chúng đạt độ chín tối ưu để đảm bảo lượng đường tự nhiên cao, từ đó tạo nên độ ngọt và hương vị đậm đà cho rượu.
+ Thêm đường hoặc các chất làm ngọt
- Trước quá trình lên men: Sử dụng đường hoặc mật ong (còn gọi là phương pháp Chaptalization).
- Sau quá trình lên men: Bổ sung nước ép nho chưa lên men (Süssreserve) để tăng độ ngọt mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc rượu.
+ Cường hóa rượu vang (Fortification): thêm rượu mạnh (thường là brandy) vào trong quá trình lên men trước khi toàn bộ lượng đường được chuyển hóa thành cồn. Phương pháp này giúp rượu có nồng độ cồn cao hơn, đồng thời giữ được vị ngọt tự nhiên của nho.
+ Loại bỏ nước để cô đặc đường
Để làm tăng độ ngọt, nhiều nhà sản xuất rượu áp dụng các kỹ thuật nhằm giảm lượng nước trong nho, bao gồm:
- Phơi khô nho dưới ánh nắng mặt trời hoặc không khí: phương pháp này phổ biến ở các vùng khí hậu ấm áp.
- Đóng băng nước trong nho để sản xuất rượu vang tuyết (Ice Wine): phương pháp này được thực hiện tại những vùng có khí hậu lạnh giá, nơi nho được thu hoạch và ép ngay khi còn đóng băng.
- Sử dụng nấm Botrytis cinerea (nấm quý hoặc nấm thối): ở các vùng khí hậu ôn đới, nấm này được dùng để làm khô nho, tạo nên dòng rượu vang với hương vị độc đáo và phức hợp.
2. Đặc điểm của rượu vang tráng miệng
Rượu vang tráng miệng nổi bật vì độ ngọt cao, có được nhờ hàm lượng đường cô đặc. Những loại rượu này thường có hương vị từ nhẹ và sống động đến đậm đà và mềm mại.
- Mức độ ngọt: cân bằng với độ axit để tránh bị quá ngọt.
- Hàm lượng cồn: từ 8-14% đối với rượu nhẹ, hoặc cao hơn (14-20%) nếu là rượu vang cường hóa.
- Màu sắc đa dạng: từ sắc vàng của rượu trắng Late Harvest đến màu hồng ngọc đậm của rượu vang đỏ cường hóa.
3. Các loại rượu vang tráng miệng
+ Ice wine: được làm từ nho đông lạnh, tạo nên vị ngọt đậm đặc.
+ Vang Port: một loại rượu vang cường hóa từ Bồ Đào Nha, nổi tiếng với hương vị đậm đà, mạnh mẽ.
+ Vang Sherry: một loại rượu vang tráng miệng của Tây Ban Nha có hương vị đa dạng, từ ngọt nhẹ đến ngọt đậm.
+ Vang Moscato: nhẹ với hương vị trái cây.
+ Vang Sauternes: một loại rượu vang classic của Pháp, nổi tiếng vì hương vị phức hợp như mật ong.
+ Tokaji: Một dòng vang ngọt trứ danh của Hungary
.....
4. Phục vụ rượu
Phục vụ đúng cách giúp tôn lên hương vị độc đáo của rượu vang tráng miệng:
+ Ly rượu: Chọn loại ly nhỏ hình hoa tulip để giữ trọn hương thơm.
+ Nhiệt độ phục vụ:
- Rượu vang trắng: ướp lạnh ở 45-50°F (7-10°C) để tăng sự tươi mát và cân bằng độ ngọt.
- Rượu vang đỏ: phục vụ ở nhiệt độ hơi mát, khoảng 60-65°F (15-18°C), để làm nổi bật sự đậm đà mà không làm mất đi hương vị phức hợp.