+ Namazake là loại rượu Sake chưa qua thanh trùng. Vì không được xử lý nhiệt, Namazake phải được bảo quản lạnh và có thời gian sử dụng ngắn hơn các loại Sake khác. Tuy nhiên, rượu mang đến hương vị đậm đà, tươi mát của trái cây, rất dễ uống và phù hợp cho người mới bắt đầu. Đặc biệt, quá trình lên men vẫn tiếp tục nhẹ trong chai, nên hương vị có thể thay đổi theo thời gian và một số loại còn có gas nhẹ tự nhiên.
+ Genshu (原酒) là loại rượu không pha loãng. Hầu hết rượu Sake được pha loãng với nước sau khi ủ để giảm nồng độ cồn từ 18 đến 20% xuống còn 14-16%. Điều này mang lại hương vị đậm đà, cấu trúc mạnh mẹ và cảm giác tròn vị hơn.
+ Muroka (無濾過) có nghĩa là "không lọc", cụ thể là không lọc bằng than hoạt tính - một công đoạn làm sáng màu và loại bỏ mùi không mong muốn. Tuy nhiên, dù không lọc bằng than, Sake Muroka vẫn trong suốt vì đã được ép và tách khỏi bã. Không qua lọc than giúp giữ lại nhiều hương thơm tự nhiên và vị đậm đà đặc trưng.
+ Futsushu (普通酒) hay còn gọi là Sake phổ thông, là một trong hai loại Sake chính ở Nhật Bản, bên cạnh các loại Sake cao cấp (tokutei meisho-shu). Dù chiếm khoảng 70% sản lượng Sake toàn quốc, nhưng bạn sẽ hiếm thấy nhãn “Futsushu” trên chai, bởi đây không phải thuật ngữ chính thức.
Đặc điểm của Futsushu
- Không giới hạn tỉ lệ đánh bóng gạo, có thể dùng cả gạo thường
- Có thể thêm rượu chưng cất, đường hoặc axit hóa học để cân bằng hương vị
- Hương vị nhẹ nhàng, dễ uống, rất phù hợp cho người mới bắt đầu
- Giá cả phải chăng, phù hợp sử dụng hằng ngày hoặc trong nấu ăn
+ Jikagumi (直汲み) là loại rượu Sake được rót trực tếp vào chai ngay sau khi ép, không qua thùng chứa trung gian. Nhờ đó, rượu gần như không tiếp xúc với không khí, giữ trộn độ tươi và hương vị nguyên bản nhất. Loại Sake này thường có gas nhẹ tự nhiên do quá trình lên men vẫn tiếp diễn trong chai. Hương vị rượu mạnh mẽ và sống động.
+ Nigorizake (濁り酒) là loại rượu Sake đục. Trong quá trình sản xuất Nigorizake, người ta sử dụng vải thô hoặc rây để tách hỗn hợp, nên vẫn giữ lại một lượng cặn gạo trong chai. Chính lớp cặn này tạo nên màu trắng sữa đặc trưng cùng vị ngọt đậm, mịn màng – mang đậm hương vị nguyên bản của gạo Nhật.
Đặc biệt, một số loại Nigorizake là Namazake – nghĩa là vẫn còn lên men trong chai. Do đó, lắc chai hoặc để chai ở nhiệt độ cao có thể khiến rượu Sake trào ra khỏi chai. Khi mới mở chai, nên mở nhẹ nắp chai rồi đóng lại nhiều lần để giải phóng áp lực khí từ từ. Để tối đa hóa hương vị của loại sake này, có một số mẹo về cách uống. Đầu tiên chỉ uống phần nước trong, sau đó, lật nhẹ chai để phần cặn hòa tan vào rượu, giúp cảm nhận được sự thay đổi hương vị.
+ Origarami (おりがらみ) là loại Sake đục nhẹ, với lượng cặn gạo ít hơn so với Nigorizake. Tuy vẫn có phần bã gạo lắng trong chai, nhưng Origarami được lọc theo cách giống Sake thông thường – tức là vẫn tách bã nhưng không loại bỏ hoàn toàn phần cặn mịn. Trong quy trình này, công đoạn chắt lấy phần nước trong sau khi bã lắng xuống đáy được bỏ qua, nên sản phẩm cuối cùng vẫn giữ lại một chút cặn mịn – tạo nên màu hơi đục, mờ ảo như sương. Rượu thường có vị dịu, tròn vị và chút mịn mượt từ gạo.
+ Seishu (清酒, clear/clean sake), là cách pháp luật Nhật Bản định nghĩa chính thức về Sake. Theo đó, Seishu phải là loại rượu đã được lọc bỏ hoàn toàn chất rắn, chỉ giữ lại phần chất lỏng trong suốt. Vì vậy, các loại như Doburoku (sake thô, không lọc) không được công nhận là Seishu và không được gọi là Sake hợp pháp tại Nhật, dù vẫn là rượu gạo lên men.
Tuy nhiên, Nigorizake, dù có màu đục, vẫn được xếp vào Seishu vì nó vẫn trải qua bước lọc sơ bằng lưới, đáp ứng đủ yêu cầu pháp lý.
+ Koshu (古酒) là loại Sake được ủ lâu năm. Hầu hết rượu Sake đều không ủ lâu năm, nhưng loại Sake được làm đặc biệt này có thể ủ trong nhiều thập kỷ, chuyển sang màu vàng và có hương vị mật ong.
+ Taruzake (樽酒) là Sake được ủ hoặc đóng chai trong thùng gỗ tuyết tùng Nhật Bản (Sugi) – loại gỗ thơm đặc trưng được gọi là Cryptomeria. Gỗ truyền vào rượu một mùi hương mạnh mẽ, mộc mạc và khác biệt. Vì mùi gỗ rất đặc trưng nên loại Sake dùng cho Taruzake thường là Sake phổ thông, không phải dòng cao cấp để tránh lấn át hương vị tinh tế.
+ Shiboritate (搾立て) nghĩa là "vừa ép xong", là loại sake được đóng chai ngay sau khi ép, không qua giai đoạn ủ. Vì vậy, hương vị thường tươi sống, sắc nét, có độ axit cao hơn và được mô tả là "trẻ/young" hoặc "xanh/green", mang lại trải nghiệm mạnh mẽ và sảng khoái cho người thưởng thức.
+ Fukurozuri (袋吊り) là một phương pháp tinh tế trong sản xuất Sake, trong đó hỗn hợp rượu và bã được cho vào túi vải, treo lên cao và để rượu nhỏ giọt tự nhiên không sử dụng áp lực ép. Loại Sake thu được cực kỳ trong, tinh khiết và thường được gọi là Shizukuzake (雫酒) – "rượu nhỏ giọt". Đây là cách làm truyền thống, thủ công và thường dành cho các dòng Sake cao cấp.
+ Tobingakoi (斗瓶囲い) là loại Sake được chọn lọc thủ công từ những mẻ rượu chất lượng nhất, sau đó được chiết vào bình lớn 18 lít gọi là Tobin. các bậc thầy làm rượu sẽ đánh giá và chọn ra phần Sake có chất lượng hương vị cao nhất, thường được dùng cho các cuộc thi hoặc sự kiện đặc biệt.