1248
Những thách thức đối với rượu whisky Nhật Bản

Những thách thức đối với rượu whisky Nhật Bản

03 Tháng Giêng 2025
Trong những năm gần đây, rượu whisky Nhật Bản đã tăng vọt đáng kể. Tuy nhiên, với việc các thương hiệu lớn liên tục tăng giá, làm thế nào để họ có thể giữ chân người hâm mộ và duy trì sức hút trên thị trường?

Rượu whisky Nhật Bản đã trở thành biểu tượng đắt giá trong thế giới rượu mạnh, với giá cả tăng vọt kể từ khi chai Yamazaki Sherry Cask 2013 của Suntory được vinh danh là "the best whisky in the world " bởi Whisky Bible vào năm 2015. 

Thời điểm đó, lượng rượu whisky Nhật Bản được đóng chai và phát hành với số lượng giới hạn. Những chai rượu từng có giá cả phải chăng nhanh chóng biến mất khỏi các kệ hàng, tạo nên tình trạng khan hiếm trầm trọng. Tuy nhiên, hiện tại thị trường đã dần sôi động trở lại, với sự tham gia của các nhà sản xuất mới và sự mở rộng quy mô sản xuất từ những thương hiệu lâu đời sau các khoản đầu tư đáng kể.

Gần đây, Suntory Spirits - một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành - đã thông báo sẽ tăng giá mạnh các dòng whisky cao cấp nội địa, bắt đầu từ các lô hàng giao từ ngày 1/4/2024. Những chai whisky biểu tượng như Hibiki 30 năm, Yamazaki 25 năm, và Hakushu 25 năm sẽ tăng giá đến 125%, từ mức 160.000 yên (khoảng 1.110 USD) lên mức cao ngất ngưởng 360.000 yên. Ngoài ra, các dòng phổ biến hơn như Hakushu 12, Yamazaki 12, và Chita Single Grain cũng có mức tăng đáng kể 50%. 

Suntory lý giải rằng việc tăng giá là cần thiết để cải thiện chất lượng sản phẩm và nâng cấp cơ sở sản xuất, đảm bảo duy trì vị thế hàng đầu trong ngành. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng yếu tố lạm phát và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cũng góp phần không nhỏ đến quyết định này.

Nhu cầu mạnh mẽ 

Whisky Nhật Bản vẫn giữ vững vị thế trong thị trường rượu mạnh cao cấp, với nhu cầu mạnh mẽ từ những người yêu thích và nhà sưu tập toàn cầu. Vào năm 2023, Suntory Global Spirits đã ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số đối với các loại rượu whisky Nhật Bản của mình, dẫn đầu là các bản phát hành kỷ niệm 100 năm cho Hibiki, Yamazaki và Hakushu. Trong đó bao gồm Hakushu 18 Years Old Peated Malt, có giá tại Anh với mức giá niêm  1.275 bảng Anh (1.586 đô la Mỹ), Yamazaki 18 Years Old Mizunara có giá 1.600 bảng Anh và Hibiki 21 năm có giá 5.200 bảng Anh.

Theo Liam Hiller, giám đốc điều hành của Dekanta - một nhà bán lẻ trực tuyến chuyên về rượu mạnh Nhật Bản, nhu cầu về whisky Nhật Bản hiện đang ở mức ổn định. Trong khi nhu cầu không còn tăng vọt như giai đoạn bùng nổ vài năm trước, nó vẫn duy trì ở mức cao và đều đặn.

Ông Hiller giải thích: “Doanh số bán hàng hiện tại đang tương đương với năm ngoái, mặc dù có giảm nhẹ so với hai năm trước, khi thị trường trải qua giai đoạn tăng trưởng bùng nổ. Khi whisky Nhật Bản trở nên phổ biến hơn và dễ dàng tiếp cận hơn, mức độ mong muốn đã phần nào giảm bớt. Một phần sức hút trước đây đến từ sự khan hiếm của nó, điều này không còn quá rõ rệt nữa. Ba, bốn năm trước, các lô hàng whisky Nhật đến Mỹ chỉ diễn ra một hoặc hai lần mỗi năm, với số lượng rất hạn chế và thường bán hết ngay lập tức. Nhưng giờ đây, những chai whisky phổ biến như Yamazaki 12 và Yamazaki 18 đã xuất hiện thường xuyên hơn, mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng. "

Giá cả tăng 

Hiller cho biết thêm, không chỉ Suntory tăng giá, Nikka thuộc sở hữu của Asahi cũng tăng giá. Tuy nhiên, ông cho biết rằng ở những loại rượu khác khác của ngành, vẫn giữ mức giá ổn định. 

“Những chai rượu lâu năm và hiếm không còn giữ được mức giá như trước nữa, người tiêu dùng hiện không sẵn lòng chi tiêu quá nhiều để sở hữu chúng. Đây là một thời điểm thú vị cho ngành whisky, và đối với chúng tôi, điều quan trọng là phải duy trì tính cạnh tranh về giá cả, dù đó là những chai whisky hiếm, mới ra mắt, hay đến từ các thương hiệu quen thuộc như Suntory và Nikka. Giá cả phải phù hợp với kỳ vọng của người tiêu dùng.”

Dekanta gần đây đã hợp tác với nhà sản xuất từ "Japan’s first farm­-to-­bottle producer", Kiyokawa, để cung cấp các thùng rượu single malt whisky để bán trên trang web của mình. Thương hiệu này đang chuẩn bị ra mắt loại whisky đầu tiên vào năm tới từ Nhà máy chưng cất Iiyama Mountain Farm, trên núi Nagano.

Dawn Davies MW, người mua hàng chính của The Whisky Exchange and Speciality Drinks, lưu ý rằng sự quan tâm đến rượu whisky Nhật Bản "vẫn còn mạnh mẽ" và mặc dù bị nhiều thương hiệu thống trị, công ty đã chứng kiến ​​"sự tăng trưởng tốt" khi "nhiều nhà máy chưng cất hơn đi vào hoạt động. Sự đa dạng này không chỉ làm hài lòng người tiêu dùng mà còn giảm bớt áp lực lên hàng tồn kho.”

Vào tháng 8 năm 2023, Fuji đã thâm nhập thị trường châu Âu sau khi hợp tác với Pernod Ricard và thương hiệu này cũng đã thâm nhập vào Hoa Kỳ, Úc, Singapore, Trung Quốc và gần đây nhất là Vương quốc Anh.

Thị trường suy thoái

Theo chuyên gia Dawn Davies MW, tất cả các thương hiệu whisky Nhật Bản đều đã tăng giá trong vài tháng qua, ngoại trừ hai thương hiệu Kanosuke và Chichibu. Về mức giá, Davies chia sẻ rằng “ở phân khúc cao cấp đã có sự chững lại nhưng không nhất thiết là sự gia tăng ở phân khúc thấp cấp - phân khúc tầm trung của thị trường là nơi chúng tôi thấy doanh số bán hàng ổn định”. Thương hiệu  Kanosuke và Fuji, là một trong những thương hiệu “được hưởng lợi vì nằm trong phân khúc tầm trung và mới tham gia thị trường”.

Kris Elliott, đồng sáng lập High Road Spirits, đơn vị phân phối các thương hiệu whisky Nhật Bản tại Hoa Kỳ như Akashi, Akesshi, Kanosuke, và Mars, đã cho biết rằng: tỷ giá yên thấp là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà sản xuất whisky Nhật Bản. Ông giải thích: “Nhật Bản không sản xuất nhiều nguyên liệu thô, nên hầu hết các nhà máy chưng cất phải nhập khẩu mọi thứ, từ nắp chai, nhãn mác, đến thủy tinh. Phần lớn mạch nha được nhập khẩu từ Vương quốc Anh, trong khi thủy tinh thường đến từ Đức hoặc các quốc gia khác. Vì vậy, chi phí hàng hóa tăng đáng kể." 

Elliott nhận xét rằng các thương hiệu whisky Nhật Bản mang lại "cảm nhận mạnh mẽ về chất lượng và giá trị", điều này cho phép các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ, và nhà hàng áp dụng mức giá cao hơn như một cách định vị sản phẩm ở phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng trong bối cảnh người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, công ty đã chủ động điều chỉnh giá để phù hợp với thị trường. Thực tế là đồng đô la Mỹ mạnh so với đồng yên Nhật đã mang lại lợi thế cho chúng tôi trong việc giảm giá hoặc ít nhất là giữ nguyên mức giá cũ, bất chấp áp lực tăng giá từ các nhà sản xuất. Đây là cách chúng tôi đảm bảo cân bằng giữa chi phí gia tăng và khả năng chi trả của người tiêu dùng.”

Nguồn: thespiritsbusiness