78
Rượu vang và món ăn

Phối hợp rượu vang với các món đặc trưng ngày tết

09 Tháng Giêng 2021
Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên Đán mang trong nó ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, vào dịp này mọi người dân Việt Nam đều hướng về gia đình của mình, người thân quay quần đoàn tụ bên gia đình, còn những người con xa xứ đều lên đường trở về quê hương. Và đây cũng là dịp lễ để mọi gia đình kính nhớ về tổ tiên.

Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên Đán mang trong nó ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, vào dịp này mọi người dân Việt Nam đều hướng về gia đình của mình, người thân quay quần đoàn tụ bên gia đình, còn những người con xa xứ đều lên đường trở về quê hương. Và đây cũng là dịp lễ để mọi gia đình kính nhớ về tổ tiên. 

Từ xưa đến nay, Tết Nguyên Đán thể hiện sự trường tồn cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa Thiên – Địa – Nhân. Những nét đặc trưng về văn hóa và ẩm thực được lưu truyền và phát huy trong mỗi dịp Tết còn là biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh… Chính vì thế mà ẩm thực ngày tết rất đa dạng phong phú, mỗi vùng miền còn có những đặc trưng ẩm thực riêng thường xuất hiện trên các mâm cỗ và trong những bữa ăn sum họp gia đình. 

Ngày nay, ẩm thực và văn hóa ngày Tết truyền thống có nhiều thay đổi và trở nên hiện đại hơn khi hội nhập thời cuộc giao thao của các nền văn hóa Đông Tây. Qua bài viết này Sành rượu mong muốn giới thiệu đến bạn đọc một trong những khía cạnh mới đại diện cho xu hướng hội nhập văn hóa ẩm thực Đông – Tây trong dịp Tết này, đó chính là  nghệ thuật phối hợp giữa rượu vang và các món truyền thống đặc trưng ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

Bánh Chưng

Với người dân Việt Nam, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong nhà mà không có bánh Chưng thì chắc chắn sẽ như thiếu đi một phần không khí Tết. Chiếc bánh Chưng của người Việt có hình vuông, tượng trưng cho đất. Bánh Chưng được làm từ gạo nếp trắng ngần với phần nhân kết hợp giữa đậu xanh, thịt mỡ, và các gia vị hành, tiêu…  Tất cả được bọc trong lớp lá dong xanh mướt và được buộc chặt bằng những sợi lạt mềm dẻo với tạo hình vuông vức, đẹp mắt.

Người Việt Nam từ xa xưa đã sống trong nền văn hóa lúa nước, phải phụ thuộc thiên nhiên rất nhiều. Vì thế, chiếc bánh Chưng trong mâm cỗ ngày Tết mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Không chỉ thế, bánh Chưng ngày Tết còn được bày lên bàn thờ cúng để thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với tổ tiên cùng những người đã khuất. Bánh Chưng cũng là món quà biếu Tết ý nghĩa mà người Việt thường dùng để đi biếu người quen, họ hàng hoặc được bày cùng các vật dụng khác trên mâm ngũ quả ngày Tết để thể hiện cho sự tương sinh tương khắc trong ngũ hành.

Câu hỏi khó dành cho những người yêu rượu vang là phải làm phối hợp thế nào giữa một món đậm chất truyền thống Việt với rượu vang đậm chất truyền thống Âu Châu? Tại đây, Sành rượu đã nghiên cứu và thử kết hợp rất nhiều loại rượu vang và chúng tôi cho rằng món bánh Chưng cũng khá đơn giản khi phối với rượu vang, nếu bạn là người yêu vang trắng thì nên thử chai vang từ nho Sauvignon Blanc của Chi Lê hay một chai Chardonnay của Vùng California, Mỹ; Còn nếu bạn là người yêu vang đỏ hãy thử kết hợp bánh Chưng với loại nho malbec của Argentina.

Thịt kho tàu (Thịt heo kho trứng)

Đặc điểm vùng sông nước khiến cho miền Nam chỉ có thể nuôi gia súc cỡ vừa và nhỏ và các loại gia cầm nên nguồn trứng vịt và thịt heo khá dồi dào. Nước dừa là loại thực phẩm rất phổ biến ở miền Nam do khí hậu nơi đây phù hợp với cây dừa, sự giao lưu tiếp biến với các tộc người như Hoa, Khơme ở đây ảnh hưởng đến ẩm thực của người Việt, món ăn thường có vị ngọt thanh của nước dừa hoặc chút đường. Những yếu tố trên đã góp phần hình thành nên món ăn gọi là "thịt kho trứng" hay "thịt kho tàu" (chữ tàu có ý nghĩa là lạt hay nhạt)

Thịt kho tàu là món ăn hiếm hoi xuất hiện trong cả thực đơn hàng ngày lẫn mâm cỗ Tết. Với thịt, trứng, vị đậm đà, màu sắc bắt mát, món ăn này mang đến sự ấm cúng, sum vầy. Sự hoà hợp các nguyên liệu thể hiện tình cảm gia đình hòa thuận, yên vui. Hương vị và ý nghĩa đã khiến thịt kho tàu trở nên quen thuộc và trường tồn cùng Tết Việt.

Với món thịt mềm, béo và vị thơm của nước dừa và hậu vị ngọt vừa phải thì Sành Rượu khuyên bạn nên thử phối với vang trắng chẳng hạn như một chai  Sauvignon Blanc của Chile, còn nếu bạn yêu thích vang đỏ thì bạn nên thử một chai vang đỏ làm từ giống nho Malbec đến từ Argentina

Giò lụa / Chả lụa

Giò lụa, giò chả hay chả lụa là tên gọi của món ăn được làm từ hai nguyên liệu cơ bản là thịt nạc thăn lợn giã nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon, gói trong lá chuối và luộc chín. Thịnh hành trong ẩm thực Việt Nam từ Bắc xuống Nam như một món ăn vừa phổ thông vừa sang trọng, giò lụa giòn và thơm đậm mùi thịt tươi luộc cộng với mùi đặc trưng của lá chuối tươi được luộc chín.

Đặc biệt trong ngày Tết truyền thống, giò lụa luôn là một trong những món phổ biến nhất xuất hiện trên mâm cỗ. Đây là món ăn kèm trong mâm cỗ, cũng là món ăn chơi hay gòn gọi là món nhắm cho các ông đi kèm với rượu hoặc bia. Với rượu bia truyền thống thì kết hợp với giò lụa đều tuyệt vời còn với rượu vang thì sao? 

Sành rượu cho rằng món ăn này rất dễ dàng khi chọn rượu vang vì nó phù hợp với cả vang đỏ và trắng, các bạn có thể thử vang trắng từ nho Sauvignon Blanc của Chi Lê, vang đỏ Pinot Noir hay vang Amarone của Ý.

Hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương

Hạt dưa là một món ăn nhâm nhi trong ngày Tết của người Việt Nam, đây là món chủ nhà đãi khách trong dịp Tết. Nguyên liệu chính của món hạt dưa đơn giản là chỉ từ những hạt của các loại dưa nhưng chủ yếu là dưa hấu. Hạt dưa hấu được tách ra và nướng lên làm phần bên trong hạt chín. Khi thưởng thức, người ta sẽ dùng răng (thường là răng cửa) cắn mạnh vào đầu hạt dưa và tách làm đôi hạt dưa để ăn phần lõi màu vàng bên trong gọi là chíp hạt dưa hay cúp hạt dưa. Thực khách vừa nhâm nhi hạt dưa vừa uống trà, trò chuyện giúp không khí Tết thêm sinh động.

Nhân hạt dưa có vị béo, thơm khá đặc trưng. Hạt dưa thường được tẩm màu đỏ hay màu đen bên ngoài, màu đỏ của hạt dưa tượng trưng cho sự may mắn. Ngoài hạt dưa hấu là chủ yếu còn có hạt bí, hạt hướng dương.

Người Việt thường dùng hạt dưa, bí, hướng dương và nhâm nhi khi thưởng thức những tách trà thơm ngon, nhưng nếu bạn thích uống rượu vang thì bạn cũng có thể phối với vang. Sau khi trải nghiệm và phối hợp với khá nhiều loại rượu vang, Sành rượu khuyên bạn có thể cân nhắc một vài loại rượu như vang trắng chardonnay vùng California, Mỹ hoặc vang pinot noir.