887
Khám phá rượu London Dry Gin

Khám phá về dòng London Dry Gin

03 Tháng Bảy 2024
London Gin hay London Dry Gin chắc chắn là một trong những loại rượu nổi tiếng và phổ biết nhất ở Châu Âu. London Dry Gin là loại Gin chủ yếu ở Vương Quốc Anh, các thuộc địa của Anh, Mỹ và Tây Ban Nha cũng như có thể được sản xuất ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Đây là loại Gin rất khô và đậm đà hương bách xù. Đặc tính thơm và hoa có được từ các loại thực vật được thêm vào chưng cất lần thứ hai hoặc ba.

Mặc dù giới hạn địa lý của loại rượu này rất rộng, tuy nhiên luật pháp của Liên minh Châu Âu quy định rằng rượu London Dry Gin phải tuân theo một số quy tắc nhất định. 

Quá trình bắt đầu với một loại rượu trung tính được chưng cất với nồng độ cồn ban đầu ít nhất là 96% ABV. Sau đó, các nhà chưng cất thêm hỗn hợp thực vật đã chọn vào nồi chưng cất và ngâm thảo mộc và gia vị vào rượu trung tính. Luật của EU cũng yêu cầu các nhà sản xuất rượu London Dry Gin không được sử dụng thực vật tổng hợp và thêm tất cả các loại thực vật trong quá trình chưng cất, nghĩa là không được thêm bất kỳ hương vị lạ nào sau khi chưng cất - chỉ được thêm nước.

Sau khi các loại thực vật được ngâm, rượu Gin được chưng cất lại để tạo ra một loại rượu có nồng độ cao và sau đó pha loãng với nước để đạt được nồng độ cuối cùng. Rượu London Dry Gin truyền thống có nồng độ khoảng 47% ABV, nhưng các nhà sản xuất hiện đại đã điều chỉnh công thức của họ để phù hợp với đối tượng khách hàng, một số loại có nồng độ thấp tới 37,5% (mức cồn tối thiểu của rượu London Dry Gin) trong khi những loại khác có thể đạt tới 55%.

Lịch sử sản xuất 

Rượu Gin có nguồn gốc từ Schiedam, một thành phố cảng ở Hà Lan. Các thương gia đi sẽ trở về từ chuyên đi vòng quanh thế giới mang theo trái cây, gia vị, ngũ cốc và các hàng hóa thô khác cập tại cảng. Tận dụng cơ hội đó, một số nhà sản xuất ​​bắt đầu chưng cất ngũ cốc với các loại thực vật thô này để tạo ra một loại rượu giống như rượu whisky, có nguồn gốc từ mạch nha được gọi là Jenever. 

Vào cuối những năm 1500, những người lính Anh bắt đầu mang rượu Gin trở lại Anh. Rượu Gin lan rộng khắp đất nước. Điều này dẫn đến việc thành lập các nhà máy chưng cất thô trên khắp cả nước.

Từ năm 1720 đến năm 1751, một "cơn sốt rượu Gin" được đánh dấu bằng việc tiêu thụ rượu tràn lan, say xỉn nơi công cộng và các vấn đề xã hội như tỷ lệ sinh giảm. Loại rượu này được đặt biệt danh là "Mother's Ruin". Để giảm chi phí, những người chưng cất rượu bất hợp pháp đôi khi thêm những giọt dầu cây bách xù vào glycerin (một chất bán độc) hoặc nhựa thông (có thể gây tử vong) để bắt chước hương vị của rượu Gin. 

Sau nhiều sự phẫn nộ về mặt đạo đức, chính phủ Anh đã vào cuộc để điều chỉnh việc chưng cất rượu Gin thông qua một loạt Đạo luật Gin Act. Kết quả là, việc sản xuất rượu London Dry Gin trở thành một quy trình nghiêm ngặt hơn, thiên về thủ công hơn.

Hương vị của London Dry Gin

Rượu London Dry Gin sở hữu hương vị đậm đà của cây bách xù và hương thông. Tùy thuộc vào nhà sản xuất, những hương vị này cũng sẽ khác bởi các loại thực vật như hạt rau mùi, rễ cây angelica, vỏ cam quýt và rễ cây diên vĩ. 

Hạt rau mùi thêm vị bùi cay nồng và hương gừng và xô thơm. Rễ Angelica có mùi xạ hương và bùi, trong khi vỏ chanh và cam thêm hương cam chanh tươi mát và hương thơm tươi sáng. Rễ diên vĩ, thường có nguồn gốc từ Tuscany, có vị đắng và mùi đất, mang đến hương thơm cho rượu Gin. Juniper, đặc trưng của rượu London Gin, có nguồn gốc từ họ bách và mang đến hương cay nồng và thơm của hạt tiêu và thông.