Có thể nói Martini là một trong những đồ uống tinh tế nhất trong làng cocktail. Thứ đồ uống này đã trở thành một biểu tượng và từng được gọi là “Vua của các loại cocktail”. Có điều khi uống martini rồi thì mới thấy thực sự trên đời chả có loại rượu nào mà lại ngọt ngào, quyến rũ đắm say đến vậy. Phải chăng nên gọi martini là nữ hoàng của cocktail.
Gin là loại rượu nấu từ lúa mạch sau đó chưng cất lần 2 với quả cây bách xù để tạo hương liệu. Loại đồ uống này đã xuất hiện từ thời Trung cổ ở châu Âu nhờ các các tu sĩ người Ý đã sáng tạo ra thứ rượu thơm ngát mà nồng say này.
Sang đến thế kỷ 17, khi mà tôn giáo suy tàn thì khoa học lên ngôi. Từ cách chưng gin thô sơ của các tu viện cũ kĩ, vị bác sĩ lừng danh Franciscus Sylvius thổi hồn mới cho gin nhờ cách tái chưng cất rượu mạnh mạch nha hoặc lúa mạch đen qua đường ống chứa đầy các loại cây cỏ: bách xù, cây hồi, cây ca-rum, rau mùi,… để trở thành loại rượu rất phổ biến để toàn dân say sưa và thậm chí còn được bán ở các hiệu thuốc dùng để giải quyết các vấn đề y tế như bệnh thận, đau lưng, bệnh dạ dày, sỏi mật, và bệnh gút cho toàn dân.
Từ thời này, gin tràn ngập thị trường. Nhà nhà nấu gin, người người uống gin, đủ mọi loại gin ra đời. Có người chưng thêm với nhựa thông, có nơi chưng thêm với vỏ chanh và vỏ cam đắng, với các loại gia vị khác như cây hồi, rễ và hạt cây bạch chỉ, rễ cây irit, rễ cam thảo, quế, hạnh nhân, cây tiêu thuốc, rau thơm, lá cam, vỏ bưởi, quả nhãn, nghệ tây, bao báp, nhũ hương, rau mùi, hạt tiêu Guinea, hạt nhục đậu khấu và quế, vv để lấy mùi đặc trưng và hương vị gin thêm phần tinh tế. Gin đi vào đời sống, gin đi vào thơ ca, gin đi cả vào nghệ thuật nhờ bức tranh “Mother ruin” của họa sĩ Wiliam Hogarth nổi tiếng.
Vermouth cũng là một loại rượu mùi. Trong khi gin ra đời ở Ý thì quê hương ban đầu của vermouth lại Đức, chả liên quan gì đến các cha cố mà lại do những bà nông dân yêu chồng sáng tạo ra. Đầu tiên người ta ủ rượu vang trắng từ nho, sau đó cho thêm caramen hoặc cho whisky vào nho ủ rượu rồi chưng cất, được rượu lần một. Người ta lại ngâm rượu này với các loại thảo dược như đinh hương, quế, vỏ chanh, bạch đậu khấu, kinh giới, hoa cúc, rau mùi, gừng. Mỗi lò nấu rượu lại có một công thức ngâm khác nhau, tạo ra hương vị riêng của từng lò rượu. Hàng trăm loại vermouth ra đời và có thể dùng để pha martini chứ chả riêng gì cái chai xanh xanh đỏ đỏ, trên nhãn có chữ Martini dry mới pha được martini.
Tuy rằng gin và vermouth có xuất sứ ở châu Âu nhưng martini thì lại ra đời ở Mỹ, và bởi thế nó mang phong cách phóng khoáng và tự do của người Mỹ. Chính vì có tới hàng trăm loại gin, hàng trăm loại vermouth và rất nhiều tỷ lệ phối hợp 2 thành phần này nên martini cực kỳ đa dạng. Người ta có thể người đổ vermouth vào cốc có chứa sẵn đá, sau đó đổ gin vào, cho tiếp một mẩu vỏ chanh nạo xoắn hay một vài quả olive hay chery vào cùng. Đá dùng pha martini phải để nguyên cục to kẻo nhâm nhi một lát đá tan ra hết thì còn gì là vị martini. Có người pha cả vermouth và gin, lại có kẻ chỉ đổ vermouth vào cốc chứa đá, gạn vermouth đi và đổ gin vào. Có người ướp lạnh cả hai loại trước khi pha, lại có người pha rồi mới ướp lạnh sau mới lại đổ vào cốc đá hay có kẻ lại đi ướp đá cái cốc trước khi pha. Người thích cho vào shaker để bartender xoay lắc biểu diễn, có người như chàng James Bond trông cơ bắp nhưng khi uống martini lại chỉ khuấy nhẹ. Cốc uống martini đa số có chân cao nhưng thân cốc cũng đa dạng, có loại bè ngang đáy bằng miệng rộng, có loại hình nón đáy nhọn tùy sở thích từng người. Cả trăm kiểu pha, cả đống kẻ khoác lác tranh cãi bấy lâu về cách pha một ly martini hoàn hảo. Nhưng dù pha kiểu gì, uống ra sao thì martini cũng mang đặc trưng chung: đó là vị the the ngọt ngọt đầu lưỡi, mùi thơm dịu dàng tinh tế êm đềm như tình yêu tuổi học trò. Đến nỗi học giả H.L. Mencken đã phải gọi đó là “Phát minh duy nhất của người Mỹ hoàn hảo như một bản sonnet”, còn ngài Nikita Khrutsep phải gọi martini vơi cái tên “Vũ khí chết người của nước Mỹ” và đối với những người đang yêu, nên ghi nhớ một câu kinh điển: “Hãy mời người tình một ly martini buổi tối, để sớm mai thức dậy miệng nàng vẫn còn thơm”.
sưu tầm