- Trang chủ
- Spirits & Liqueur
- Camus
Thật là thiếu sót nếu tự nhận mình là người sưu tập Camus mà lại không biết tí gì về gốc gác của thương hiêu này. Khởi đầu sưu tập thương hiệu này, tôi cũng chỉ là “anh mục đồng vô tư thổi sáo trên lưng trâu”; tức là chỉ theo nguyên tắc “cùng hãng khác nhãn thành bộ” nên nào biết đâu mình đang sưu tập một trong những hãng rượu có bề dày lịch sử gần 150 năm. Về sau này tôi mang những thắc mắc trao đổi với các tay sưu tập khác và lượm lặt thêm từ những tư liệu ở khắp nơi để hiểu rõ thêm những câu chuyện đàng sau từng chai rượu mini do mình sở hữu. Cảm giác muốn chia sẽ thông tin với cộng đồng sưu tập rượu mini nên tôi mới hình thành ý tưởng hệ thống lại các thông tin về thương hiệu nổi tiếng này. Hiểu biết có hạn, rất mong các bạn đồng môn góp ý để hoàn thiện hơn.
Camus là một thương hiệu rượu Cognac đã tồn tại qua 5 thế hệ gia đình kể từ năm 1863 khi mà Jean-Baptiste Camus quyết định thành lập một nhóm những người sản xuất rượu chuyên bán rượu Cognac cao cấp dưới cái tên “La Grande Marque”. “Sản xuất ra một loại rượu cognac thượng hạng không có gì khó. Tất cả cái mà bạn cần là ông cố, ông nội và cha của bạn đã cống hiến toàn bộ cuộc đời của họ vì nó” Đây là câu nói bất hủ của Jean-Paul Camus (đời thứ tư) phản ánh sự quan trọng của truyền thống gia đình ảnh hưởng đến chất lượng của các sản phẩm rượu cognac mang tên Camus. Kể từ đó đến nay nó vẫn được vận hành và quản lý bởi gia đình dòng họ Camus. Mỗi một thế hệ đều có ý thức gìn giữ và tôn tạo và phát triển thương hiệu Camus ra toàn thế giới. Hiện nay, thế hệ thứ năm của dòng họ Camus là Cyril Camus đang lãnh đạo công ty có trụ sở tại Cognac và phân phối rượu cognac Camus trên toàn thế giới. Chi tiết và những cột mốc kinh doanh quan trọng qua từng đời được liệt kê dưới đây:
Đời thứ 1: Jean-Baptisle Camus, người sáng lập ra thương hiệu Camus “La Grand Marque” vào năm 1863
Jean-Baptisle Camus là một người sản xuất rượu vang ở vùng Borderies của quận Cognac. Ông ta chưng cất rượu cognac và bán cho các hãng rượu có tiếng khác để họ bán ra dưới thương hiệu của họ. Năm 1863, nghĩ rằng rượu của ông có chất lượng cao nhất nên ông cùng với một số nhà sản xuất rượu trong vùng đứng ra thành lập một liên hiệp các nhà sản xuất rượu lấy tên là La Grand Marque và dùng thương hiện này để xuất khẩu. Một trong những thị trường xuất khẩu đầu tiên của thương hiệu này là Anh Quốc. Lúc bấy giờ rượu cognac vẫn còn được xuất dưới dạng thùng tô-nô. Vào đầu những năm 1890, Jean-Baptisle mua lại cổ phần của những người khác và tiến hành thêm tên ông ta vào trong thương hiệu sẳn có. Mãi cho đến ngày nay, người ta vẫn thường gọi “La Grand Marque Camus” (đôi khi ta vẫn thấy trên một số nhãn rượu Camus cổ có in G.M.C là 3 chữ cái viết tắt đấy). Ngay từ những ngày đầu Jean-Baptisle đã xây dựng một nguyên tắc rằng gia đình Camus phải là người chịu trách nhiệm quản lý chất lượng rượu từ khâu trồng nho cho đến tay người uống. Nguyên tắc vàng này cho đến nay đã được truyền qua đến 5 đời.
Đời thứ 2: Edmond Camus (bước vào kinh doanh vào năm 1894)
Là con trưởng trong gia đình có hai con trai, Edmond tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình vào giữa những năm 1890 và từ từ tiếp quản công việc chưng cất và pha chế các dòng rượu Camus. Ông không những bảo tồn và nâng cao uy tín chất lượng của thương hiệu Camus trong vùng Borderies mà còn lan tỏa đến tận Paris, nơi Camus có mặt trong hầu hết những nhà hàng và quán bar nổi tiếng nhất. Vào năm 1913, ông pha chế ra loại rượu Jobilee để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập công ty. Loại rượu nổi tiếng này còn tồn tại đến ngày nay trong bình rượu được làm bằng pha lê. Là người biết nhìn xa, ông ứng dụng công nghệ sản xuất vỏ chai tự động. Camus là một trong những hãng rượu đầu tiên xuất bán rượu đóng chai thay vì trong thùng tô-nô như trước kia.
Gaston Camus (bắt đầu bước vào kinh doanh năm 1896)
Trong khi anh trai mình quản lý sản xuất, Gaston tìm kiếm cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu ra khắp Châu Âu và đến tận Đông Âu. Ông đi công du khắp nơi và dành 6 tháng cho mỗi năm tại Saint Petersburg. Tại đây, Camus là loại rượu chính thức dùng trong cung điện của Sa Hoàng. Mặc dù trải qua các cuộc cách mạng, chiến tranh, thay đổi chính trị và khủng hoảng kinh tế, Camus vẫn bảo toàn được vị trí đặc quyền của mình tại nước Nga. Dưới sự lèo lái của Gaston, Camus đã xây dựng được vị trí độc tôn là nhà sản xuất rượu cognac chủ yếu sản xuất ra loại rượu thượng hạng. Năm 1911, Gaston sinh ra người con trai duy nhất – Michel người sau này là thế hệ thứ 3 tiếp quản hãng rượu Camus cho dù Michel có 4 chị em gái và 3 anh em họ.
Sau một thời gian dài học nghề của cha mình là Gaston, Ông tham gia công việc kinh doanh của gia đình vào năm 1932 ở tuổi 21 và nắm công tác quản lý hãng ở tuổi…23. Ông vẫn bảo tồn các phương pháp sản xuất cổ truyền của các dòng rượu cognac và theo cha đi công cán khắp nơi trên thế giới. Năm 1959, ông ta ký một thỏa thuận qua đó Camus là công ty độc quyền cung cấp rượu vang và rượu mạnh cho Liên Bang Xô Viết và độc quyền xuất khẩu rượu mạnh của Nga sang Pháp. Là người thường xuyên công tác bằng đường hàng không, ông là một trong những người đầu tiên trong cùng trang lứa với ông nhận ra tầm quan trọng của thị trường các cửa hàng miễn thuế tại các sân bay. Vào năm 1945 sau chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã chấp nhận rủi ro rất cao khi bán chịu rượu của mình cho công ty Duty Free Shoppers (DFS) đặt tại Hong Kong do hai thanh niên Mỹ trẻ tuổi thành lập ra. Ngày nay công ty DFS này đã thống trị toàn bộ các chuỗi cửa hàng miễn thuế nằm quanh bờ Thái Bình Dương và vẫn rất “chung thủy” với hãng Camus để tỏ lòng biết ơn Michel Camus. Vào đầu những năm 1960, ông ta xây dựng một chiến lược rõ ràng cho thị trường này và tung ra những sản phẩm mới mà ngày nay trở nên rất phổ biến ở các cửa hàng miễn thuế tại sân bay, đó là rượu cognac Camus trong các chai sứ Limoges và chai pha lê Baccarat. Cho đến ngày nay, Camus vẫn là thương hiệu dẫn đầu trong các cửa hàng miễn thuế trên toàn thế giới.
Jean-Paul là thế hệ thứ tư trở thành chủ tịch công ty và là chuyên gia pha chế rượu Camus vào năm 1977. Thật sự ra còn người anh tên là Phillipe cũng tham gia quản lý công ty. Dựa vào sự hiện diện của thương hiệu Camus tại các cửa hàng miễn thuế, ông ta tập trung xây dựng thương hiệu tại các thị trường nội địa của các nước Châu Á, nơi là biên giới cuối cùng mà công ty chưa vươn đến. Ông liên tục công tác qua lại các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia để đẩy mạnh thương hiệu Camus vào trong thị trường đang phát triển và đầy tiềm năng này. Tài năng thật sự của ông ta tặng cho những người đam mê thực sự rượu Camus là pha chế ra các dòng rượu Extra, XO Superior và đặc biệt Josephine một loại rượu cognac đầu tiên được sản xuất dành cho phái nữ.
Khởi đầu ở vị trí giám đốc marketing và phát triển chịu trách nhiệm về các hoạt động bán hàng và marketing trên toàn cầu. Sau một thời gian làm việc ở văn phòng Camus tại Bắc Kinh mang theo cô vợ người Hoa tên là Isabelle. Năm 1999, họ sinh ra một con trai tên là Ryan và câu chuyện dòng họ Camus lại tiếp tục.
Ông trở thành chủ tịch của hãng vào năm 2003. Tuy vẫn trung thành với các dòng rượu cognac của 4 đời Camus dày công xây dựng, ông vẫn tìm các hướng kinh doanh mới. Năm 2003 Ông hợp tác với hãng Pinnacle Estate của bang Quebec, Canada cho ra dòng rượu Camus Ice Cider (còn gọi là Ice Apple Wine). Năm 2006, ông cho ra loại dòng rượu mới có màu nhạt hơn do không được tiếp xúc với thùng gỗ sồi nhưng bù lại vẫn giữ được hương vị hoa quả (floral) của vùng Borderies. Đây là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các bartender.
Chắc không có ai nghĩ rằng Cyril Camus lại đi bán rượu Trung Quốc nhỉ? Câu trả lời là có đấy. (Vào link: http://www.spiritofchina.net/ để biết chi tiết) Đời thứ 5 của dòng họ Camus bây giờ cũng tham gia bán rượu Mao Đài và bán rất nhiều (link đọc thêm). Xem ra ảnh hưởng của cô vợ người Hoa, Isabelle quá lớn. Sau phi vụ hợp tác với một nhà sản xuất rượu Ice Wine làm từ táo ở Canada vào năm 2003, và rồi còn phát hiện Camus bán rượu Gin Josephin, xem ra thế hệ đời thứ năm này rất năng động, sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm theo chân các tập đoàn rượu lớn khác.
Trải qua 5 đời dòng họ Camus vẫn sở hữu thương hiệu này trong khi các thương hiệu lớn lần lượt bị sát nhập hoặc bị các tập đoàn lớn mua lại. Hiện tại hãng đang đứng vị trí thứ năm về số lượng rượu xuất khẩu.
Sở hữu một chai Camus mini thì ai mà không muốn tìm hiểu xem nó được sản xuất vào năm nào? Nhân dịp gì? Có đoạt giải thưởng gì không?...Là những người hậu sanh mới sưu tập sau này, sự hiểu biết về những thông tin bị hạn chế là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên nếu ta tinh ý căn cứ vào lịch sử hình thành và phát triển của hãng Camus, ta có thể phần nào suy đoán được “niên đại” của chai rượu mẫu do mình sở hữu. Camus bắt đầu sản xuất rượu mini từ Michel Camus quản lý. Trải qua các thời kỳ, tên đăng ký kinh doanh của hãng Camus cũng được thay đổi. Căn cứ vào hình thái tên của công ty Camus mà ta có thể suy đoán năm sản xuất của một chai mini nào đó. Tùy theo chủ nhân nối dõi sự nghiệp là duy nhất một người hay là nhiều hơn một người mà có các tên như sau:
Camus & Co. đây là thời kỳ do Michel quản lý – 1932
Camus Frères và sau đó đổi tên thành Camus Frères – La Participation Charentais tương tự như Camus & Bros trong tiếng Anh: có nghĩa là các anh em trong cùng nhau quản lý doanh nghiệp. Đây là giai đoạn do thế hệ đời thứ 4 (Phillipe và Jean Paul) quản lý - 1967
Camus & Co. hiện tại do thành viên đời thứ 5 tên là Cyril Camus quản lý - 1994.
Căn cứ vào hình thái tên công ty trên đây mà người sưu tập có thể truy ra gần chính xác năm sản xuất của chai rượu mini do mình sở hữu. Ngoài ra còn căn cứ vào chất liệu và màu sắc nhãn để xác định năm sản xuất. Khởi đầu vào những năm 1950 nhãn chai làm từ giấy trắng với chữ CAMUS nằm trên cùng được in màu đen và nếu có chữ cognac đi kèm bên dưới thì chữ này được in màu đỏ. Tiếp theo bên dưới luôn luôn là dòng chữ “LA GRANDE MARQUE” kèm với dấu hiệu trade mark là cái khiên màu đỏ với chữ thập màu trắng và dòng chữ “Masion fondeé en 1863” Hầu hết các chai trong thời kỳ này đều có nhãn cổ chai đi kèm. Sau này chất liệu nhãn theo đà tiến bộ của kỹ thuật in ấn mà có các màu sắc khác nhau; có thể in bóng hoặc in mờ, có thể có hoặc văn và in nhủ vàng…Căn cứ kế tiếp là dạng cấu tạo nắp chai. Cổ xưa nhất có lẽ là nút bần được bọc bằng chì (cork and lead top) được sử dụng phổ biến vào những năm 1930. Sau đó là nắp nhôm có 2 tai để có thể xé khi mở mà tôi thường gọi là “nắp xé” (wing-clip top), phổ biến vào những năm 1950. Sau cùng là loại nắp nhôm vặn thông thường (metal screw top), phổ biến từ những năm 1960 trở về sau này. Tóm lại, những đặc điểm dùng để suy đoán tuổi chai như sau:
(1) Hình thái tên công ty
(2) Kiểu nắp chai, hình dáng chai, vật liệu giấy in nhãn
(3) Những dịp kỷ niệm đặc biệt
(4) Những giải thưởng hàng năm của các cuộc thi quốc tế về rượu mạnh
Trích từ Jack Kao.